Truyện Ông Táo Cỡi Cá Chép Về Trời
 Trong dân gian, cá chép với câu chuyện Cá chép vượt vũ môn hóa rồng là biểu tượng cho sự may mắn và nghị lực vươn lên của con người. Ngoài ra, cá chép còn gắn liền với văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam khi mỗi năm cứ đến ngày 23 tháng Chạp nhà nhà lại thả cá chép ra sông, hồ để đưa ông Táo lên Trời báo cáo tình hình gia đình trong năm vừa qua, cũng là cầu phúc, cầu lộc cho năm mới.

Theo truyền thuyết dân gian, cá chép vàng là một loài động vật sống ở trên Thiên Đình.Trước đây, do phạm phải lỗi nên bị Thượng Đế đày xuống trần gian để chuộc lại tội lỗi của mình gây ra. Sau khi tu thành chính quả, cá chép sẽ hóa thành rồng và bay lên trời. Còn Ông Táo là do Thượng Đế phái xuống trần gian để giám sát loài người, xem ai là người Thiện, người Ác. Sau đó ông Táo bay về Thiên Đình để tâu lên Thượng Đế những việc ở dưới trần gian. Và chỉ có cá chép mới có thể giúp ông Táo bay về trời. Đến Giao thừa, ông Táo trở lại hạ giới để tiếp tục công việc của mình.

Truyền thuyết chép hóa rồng

-Bao giờ cá chép hóa rồng,

Bõ công cha mẹ bế bồng ngày xưa.

-Mồng bốn cá đi ăn thề,

Truyện Ông Táo Cỡi Cá Chép Về Trời

Mồng tám cá về, cá vượt Vũ Môn.

Theo truyền thuyết,hàng năm cứ đến ngày mồng tám tháng tư âm lịch, các loài tôm cá lại tụ tập nhau về cửa sông Trường Giang để thi tài. Vùng này hiểm trở, nước đổ vào chân núi có ba vực sâu nên còn gọi là Ba Tầng Cửa Vũ hay Vũ Môn Long Vân. Tôm, cua, ốc, ếch, rùa, ba ba và các loại cá khắp nơi đổ về đăng ký thi tài.Cuộc thi được gọi là vượt Vũ Môn.Khi thi, con nào vượt được 3 vực sâu có sóng lớn sẽ thắng cuộc.Bao nhiêu loài thủy tộc đến thi đều bị loại, vì không con nào vượt trót được cả ba đợt sóng.Tất cả các loài cá lớn, cá bé cũng đều ra sức thi tài nhưng đều lần lượt bị loại. Duy chỉ có con cá chép ở phía nam sông Thanh Lãnh ba lần nhảy đều vượt qua được. Con cá này bản chất của nó đã là quý hiếm đặt biệt, vì trong miệng nó có ngậm một viên ngọc trai. Thần gió thấy lạ bay đến để xem, gió, mây ào ạt kéo đến, sấm sét ầm trời, và những đợt sóng cao trổi dậy. Cá chép nhờ đợt sóng cao đưa lên, vượt luôn một lần qua ba đợt sóng, nhả ngọc vượt qua Vũ Long Môn và hóa rồng.

chép hóa rồng vì vậy biểu trưng cho sự can đảm, may mắn, trót lọt, thành công, chiến thắng và cả sự an lành, sung túc. Cá chép hóa rồng phun nước làm cho đất đai mầu mỡ, cây cối xanh tươi, đem lại sức sống cho muôn loài.

Theo truyền thuyết dân gian Việt Nam, cá chép được dùng làm biểu tượng cho vua Rồng Lạc Long Quân. Người Mường thờ cá chép tượng trưng cho cha Lạc Long Quân và thờ con nai tượng trưng cho mẹ Âu Cơ. Dân tộc Kinh cũng coi cá chép là biểu tượng cho cha Lạc Long Quân. Chứng tích cá chép liên hệ đến Lạc Long Quân vẫn còn lưu lại qua câu ca dao cổ ở làng Lệ Mật, Gia Lâm, ngoại ô Hà Nội:

Ðến ngày 23 tháng ba,

Dân trại ta vượt Nhị Hà thăm quê.

Kinh Quản, Kinh Cự đề huề,

Hồ Tây cá nhảy đi về trong mây.
Truyện Ông Táo Cỡi Cá Chép Về Trời

Mỗi năm, cứ đến ngày 23 tháng 3 âm lịch, dân làng Lệ Mật lại đánh cá ở giếng đình để lấy “cá đóng dấu đem dâng thánh ăn gỏi”. Ðó là những con cá chép có dấu son đỏ trên vẩy, dân làng bảo đó chính là “Hồ Tây cá nhẩy đi về trong mây”.Hồ Tây là hồ Thầy, hồ Mặt trời lặn, hồ Lạc Long Quân.“Cá nhảy đi về trong mây” tức là cá chép hóa rồng, loài cá tượng trưng cho linh hồn của cha Lạc Long Quân.

Câu chuyện ông Táo cưỡi cá chép về Trời
Truyện Ông Táo Cỡi Cá Chép Về Trời

Từ ngày xửa ngày xưa, khi con người vẫn còn sống theo lối du mục, rồi định cư trồng lúa, làm nương, con người đã tin rằng luôn có một vị thần bếp canh giữ và đem lại may mắn cho gia đình. Vị thần bếp đó chính là Táo Quân.Vì Táo Quân quanh nằm ở trong bếp nên biết hết mọi chuyện xảy ra, dù chuyện tốt hay chuyện dở.Với mong muốn Thần Bếp sẽ “phù hộ” cho gia đình mình được nhiều may mắn, nên hàng năm Tết đến, người Việt ta thường làm lễ tiễn đưa Táo Quân chầu trời một cách long trọng. Cá chép là phương tiện duy nhất có thể đưa Táo Quân về trời. Bởi thế, vào ngày này, sau khi làm lễ xong, các gia đình đều cúng con cá chép rồi đem ra sông hay ra ao hồ thả, ngụ ý “cá hóa long”, nghĩa là cá sẽ hóa rồng, vượt Vũ Môn, làm phương tiện cho Táo Quân cưỡi về trời.

Phóng sinh cá chép ngày Tết ông Công ông Táo không chỉ là một nét đẹp văn hóa, đồng thời việc làm đó còn thể hiện sự từ bi quý báu của người Việt Nam. Ngoài ra, trong tâm thức người Việt, “cá vượt Vũ Môn” hay “cá chép hóa rồng” còn mang ý nghĩa của sự thăng hoa, biểu tượng của tinh thần vượt khó, sự kiên trì, bền chí chinh phục tri thức để đi tới thành công, biểu trưng cho nhân cách thanh cao tiềm ẩn và một kết quả tốt đẹp.( (TV. Cỏ Dại))

*  Thăm Làng Cá Chép Ông Công Ông Táo;

TTO - Dọc quốc lộ 32C, theo hướng Hà Nội - Yên Bái, ngôi làng nhỏ nép mình bên dòng sông Thao hiền hòa từ lâu nức tiếng với nghề nuôi cá chép đỏ cúng ông Công ông Táo vào 23 tháng Chạp.

Những ngày này, cả thôn Thủy Trầm xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) tấp nập chuẩn bị cho những mẻ cá cúng ông Công ông Táo ngày 23 tháng Chạp. Dưới những làn mưa lất phất, hoa đào, hoa mận chúm chím khoe sắc báo hiệu mùa xuân sắp về là những ao chuôm, những hàng gánh nhuộm đỏ sắc cá.

Làng nghề gắn với tâm linh

Trong đời sống văn hóa của người dân Việt, ngày 23 tháng Chạp hằng năm là ngày ông Công, ông Táo về trời báo cáo những công việc năm qua ở hạ giới. Người dân thường cúng tiễn ông bằng cá chép. Do vậy, ở nhiều địa phương những ngày này, người dân nô nức đi mua cá chép đỏ, chép vàng về cúng ông Táo.

Là vùng quê sống chủ yếu với nghề trồng lúa nước, trồng dâu nuôi tằm, Thủy Trầm có 3 khu, trong đó, người dân ở khu 3 nuôi nhiều cá chép đỏ nhất.





Theo người dân ở đây, nuôi cá cả năm mới thu hoạch một lần vào dịp tháng Chạp và bán cá giống nên người dân tận dụng những ao nước nông, ruộng trũng để thả cá. Ngoài việc làm kinh tế trong tâm mỗi người dân làng Thủy Trầm, nuôi cá chép đỏ như một nét đẹp văn hóa từ bao đời nay.

Chính vì vậy, khi nuôi, người dân Thủy Trầm chăm sóc cá và cho cá ăn những thức ăn do chính tay mình làm ra chứ không cho ăn những loại cám kích thích khác. Cá cúng ông Táo ông Công phải khỏe, đẹp, đỏ rực cả khi mang đi các địa phương khác.

Từ giữa tháng chạp, cả làng Thủy Trầm đã nhộn nhịp cho việc thu hoạch cá. Và cứ đến những ngày này, sắc đỏ, sắc vàng của những chú cá chép rực đỏ trên các ao hồ nhỏ, đường đi, nhất là tại các phiên chợ dưới gốc đa làng.



Theo những cụ cao niên của làng, người dân Thủy Trầm nuôi cá chép trước hết để phục vụ và làm đẹp cho đời sống tâm linh của chính làng mình. Vì vậy, đến giáp ngày 23 tháng Chạp, chợ phiên Thủy Trầm xã Tuy Lộc rực đỏ, rực vàng màu cá.

Người dân đi chợ bán cá như để làm giàu thêm tín ngưỡng của làng quê mình. Cá được đựng trong những chiếc chậu nhôm trắng càng tô thêm sắc đẹp của cá. Những năm gần đây, cá chép còn được đựng trong túi ni lông, người mua có thể ngắm nghía cá nếu vừa lòng sẽ tự tay bắt cá mang về.

Vào đúng ngày 23 tháng Chạp, người dân làng Thủy Trầm thành tâm chọn những chú cá chép đỏ, khỏe dâng cúng ông Công ông Táo. Sau khi cúng xong, những chú cá này được người dân thả về ao hồ làm giống cho mùa sau.

Làng nhỏ nhưng cứ đến tháng chạp, đường làng Thủy Trầm lại trở nên đông vui bởi khách mua cá tấp nập khắp nơi đổ về, từ Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh đến cả Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang...

Cá chép đỏ làng Thủy Trầm có kích cỡ vừa phải, khỏe, đỏ tươi hoặc vàng, vây nhọn, vẩy ánh đẹp, có râu hai bên nên được khắp nơi ưa chuộng.

Tháng 6-2011, làng Thủy Trầm đã được UBND tỉnh Phú Thọ công nhận làng nghề, động lực để chắp cánh cho làng nghề phát triển hơn nữa trong hiện tại và tương lai.

Gắn với phát triển kinh tế



Nuôi cá chép đỏ đối với người dân làng Thủy Trầm xưa kia chỉ là gắn với tâm linh, ngày nay, nét văn hóa ấy vẫn còn song nó còn gắn với phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình. Vì vậy, những năm gần đây, người nông dân ở Thủy Trầm đã bắt tay vào cải tạo ao đầm để quy hoạch và khoanh nuôi cá chép.

Biết thị trường ngày càng có nhu cầu lớn về loại cá này vào dịp tháng Chạp nên nhiều hộ dân đã đầu tư thực sự và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Việc nuôi cá chép được bắt đầu từ tháng 6-7 âm lịch và chăm sóc đến tận tháng Chạp.



Nuôi cá chép đỏ không hề dễ dàng bởi nuôi thả giống cá này phải từ loại cá bột cho đến lớn. Hơn nữa, chế độ ăn, nước và vệ sinh ao chuôm cũng hết sức cẩn thận. Cá bán ra thị trường có nhiều loại. Có loại bé 5-6 con/kg, loại to 2 con/kg…

Thông thường, trên thị trường có nhu cầu lớn về loại cá chép vừa vừa chứ không quá to. Nhờ mô hình nuôi cá chép đỏ, với giá hiện nay là 100.000 đồng/kg, các hộ dân ở Thủy Trầm có thu nhập từ 70 - 100 triệu đồng tùy theo quy mô nuôi lớn hay nhỏ.

Ai có dịp đi ngang qua Thủy Trầm xin một lần ghé lại...


Nguyễn Thế Lượng

Đăng nhận xét Blogger Disqus

  1. Cá chép không chỉ thể hiện nét đẹp của tính ngưỡng dân gian mà hình ảnh cá chép hóa rồng còn là biểu trưng cao quý cho sự kiên trì, nhẫn nại.
    ------------------------------------------
    Kingtek - Đầu thu kỹ thuật số xem miễn phí các kênh HTV7, HTV9, VTV3 HD, VTV1 HD, Let's Viet, nhóm kênh VTC và hơn 68 kênh miễn phí thuê bao khác.

    Liên hệ: 0909 480 368 – 08 7303 1368 để biết thêm chi tiết.

    Kingtek - Đơn vị uy tín chuyên phân phối: Đầu thu DVB T2 chính hãng.
    Xem thêm: Danh sách các kênh thu được từ đầu thu kỹ thuật số

    Trả lờiXóa

 
Top